
Những người phi lý muốn thay đổi hệ thống, họ tìm kiếm lợi nhuận từ những công việc tưởng chừng khó có thể tạo ra lợi nhuận, họ bỏ qua những dấu hiệu thông thường, họ cố gắng đo đếm những thứ không đo đếm được… họ hành động vì cộng đồng.
Xét theo định nghĩa này, một số doanh nhân hàng đầu hiện nay rõ ràng là những người phi lý, thậm chí một vài người có thể bị coi là điên rồ. Tuy vậy, trong cuốn Sức mạnh của những người phi lý, John Elkington và Pamela Hartigan lập luận rằng tương lai của chúng ta, tất cả chúng ta, lại có thể do chính những con người này quyết định.
Vì họ là những bộ óc tư duy theo hướng tôi-có-thể, họ thất vọng với những người mang suy nghĩ đừng-làm, không-thể-làm và sẽ-không-làm mà họ hay thấy mình đang phải đương đầu. Kỳ vọng của họ thường bị mọi người nhìn nhận không công bằng. Điều khác biệt ở đây là tham vọng của những doanh nhân này không phải cho bản thân họ mà vì một mục tiêu to lớn hơn nhiều, đó là vì xã hội, họ hướng đến những con người đang cần sự giúp đỡ, họ lập trường học, bệnh viện cho người dân nghèo... Rất nhiều người như họ đang tiên phong, góp phần vào việc định hình các thị trường của tương lai, nơi mà đa số chúng ta thường chỉ thấy đầy rẫy những rắc rối và rủi ro.
Và một trong những tấm gương xuất sắc nhất thế giới về phẩm chất kinh doanh là những doanh nhân xã hội, người tạo nên các giá trị đa chiều, cả kinh tế, xã hội, và môi trường. Hãy nghĩ tới phong trào Vành đai Xanh phía Đông châu Phi của bà Vwangari Maathai, người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2004. Bà có một kế hoạch đầy tham vọng là trồng được 15 triệu cây xanh. Ngay cả nhà cung cấp cây giống cho bà cũng chưa từng tin rằng bà nghiêm túc, họ thậm chí còn không có khả năng đảm bảo số lượng cây mà họ đã hứa với bà khi công việc bắt đầu. Giờ đây với 30 triệu cây đã trồng, Maathai và đồng nghiệp của bà tuyên bố về kế hoạch trồng một tỉ cây xanh, vượt xa những nỗ lực ban đầu của họ ở Kenya. Như vị Tổng thống (độc tài) của Kenya khi đó là Daniel Arap Moi đã từng có lúc tự hỏi, có bao giờ người phụ nữ này dừng lại?"
Một ví dụ hoàn hảo khác về sự phi lý là Bunker Roy – nhân vật hàng đầu trong khu vực hoạt động xã hội ở Ấn Độ với tổ chức Barefoot College. Ý tưởng của tổ chức là những chương trình phát triển không cần các chuyên gia đến từ đô thị bởi những người như họ đã sẵn có ở trong chính các ngôi làng, và sự thông thái, vốn hiểu biết truyền thống và những kĩ năng hết sức thực tế của người dân như họ thì lại chưa được nhìn nhận, huy động hay sử dụng – trên thực tế, những người dân như vậy nhìn chung gặp phải nhiều bất lợi bởi họ không có trong tay bằng cấp chính quy. Tổ chức đã giúp nhiều người dân thất học hay chỉ có trình độ học vấn thấp và rất nghèo khó ở các vùng nông thôn được học tập cách làm chủ những công nghệ được thiết kế nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản mà không cần phụ thuộc vào những chuyên gia được đào tạo sách vở từ bên ngoài. Barefoot College bắt đầu tạo đòn bẩy cho các kĩ năng và năng lực của người dân địa phương. Theo Roy thì đây là cách tiếp cận “chân đất” với sự phát triển…
MỤC LỤC
Lời tựa 7
Lời nói đầu 10
Lời cảm ơn 15
Giới thiệu 21
Chương Một_ XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KINH DOANH THÀNH CÔNG
Chương Hai_ KHAI THÁC NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH
Chương Ba_XÁC ĐỊNH CÁC CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG TRONG 10 KHOẢNG TRỐNG LỚN
Chương Bốn_ GIEO HI VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI TIÊU DÙNG BONSAI
Chương Năm_ DÂN CHỦ HÓA CÔNG NGHỆ
Chương Sáu_THAY ĐỔI CẢ HỆ THỐNG
Chương Bảy: MỞ RỘNG CÁC GIẢI PHÁP
Kết luận
Phụ lục
Về các tác giả
LỜI TỰA
Nhờ có cuốn sách này cũng như cái tên hấp dẫn của nó, tôi có thể hình dung rằng không lâu nữa chúng ta sẽ được chứng kiến có rất nhiều người tuyên bố mình là người “phi lý”. Nếu thật sự được như vậy, thế giới có thể sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đặc điểm của những người “phi lý” mà hai tác giả John Elkington và Pamela Hartigan miêu tả trong cuốn sách này chính xác là những gì mà thế giới chúng ta cần trong thời kỳ biến đổi sâu sắc hiện nay.
Những gì mà tiến trình này đã đạt được thật sự phi thường. Khi tôi cùng vợ mình, Hilde, thành lập Quỹ Schwab hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội vào năm 1998, khái niệm “doanh nghiệp xã hội” hầu như chưa từng được nghe nói đến ở châu Âu và cũng ít được biết đến ở những nơi khác trên thế giới, dù cho lúc đó đã có những hoạt động ban đầu của Ashoka, một tổ chức tiên phong của loại hình này. Thực tế là khi đăng ký thành lập Quỹ Schwab tại Thụy Sĩ, ngay việc dịch cụm từ “doanh nghiệp xã hội”, khi đó còn chưa xuất hiện trong từ vựng tiếng Pháp và Đức, đã là một thách thức với chúng tôi.
Muhammad Yunus, hơn bất kỳ ai khác, đã giúp chúng tôi thấy được tiềm năng rõ ràng của công việc này. Vào đầu thập niên 1970, ông bắt đầu làm việc không mệt mỏi để chứng minh rằng phụ nữ nghèo là những người đáng tin cậy và hoàn toàn có thể cho họ vay tiền. Tuy vậy, thế giới phải mất tới hơn 30 năm để có thể công nhận đầy đủ giá trị của tín dụng vi mô. Chúng tôi tự hỏi, còn có bao nhiêu người cũng “phi lý” như Yunnus đang hiện diện ở ngoài kia? Chúng tôi bắt đầu tập hợp một số doanh nhân xã hội có ảnh hưởng nhất trên thế giới và họ đã chỉ ra cho chúng tôi ba yêu cầu bức thiết nhất
* Tính hợp pháp của những mô hình “phi lý” họ đưa ra
* Sự tiếp cận với mạng lưới các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh và truyền thông
* Vốn.
Nhưng chúng tôi không có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nhân xã hội này. Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng kết luận rằng mình có thể đem đến một điều gì đó cũng có giá trị tương đương - đó là đưa họ đến với Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Vậy nên, Quỹ đã làm việc để xác định những doanh nhân xã hội cách tân nhất và với sự cộng tác của diễn đàn, trình bày những giải pháp thực tiễn cho các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường. Những cuộc họp thượng đỉnh hàng năm do chúng tôi tổ chức, nơi mà cộng đồng hiện có 115 doanh nhân và đang ngày càng lớn mạnh, chính là nơi dành cho việc trao đổi các ý tưởng này. Hiện nay, hơn một nửa số doanh nhân đang hợp tác với nhau để “nhập khẩu” cũng như “xuất khẩu” những phương pháp và công nghệ giữa các tổ chức của họ xuyên qua các ranh giới chính trị và địa lý.
Trong lúc ấy, có rất nhiều định chế và các hoạt động có liên quan đến mục đích này cũng nở rộ trên toàn cầu, và một số quỹ tài trợ với nguồn tài chính dồi dào đã được thành lập để hỗ trợ những doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Những cuộc họp quốc tế như Diễn Đàn Thế giới Skoll đã thu hút hàng nghìn người, và các nhà tài trợ đã lập ra nhiều giải thưởng, trong đó có thể kể đến những giải thưởng mang tầm quốc gia do Quỹ Schwab khởi xướng tại khoảng 30 nước.
Chúng tôi vô cùng tự hào khi có Pamela Hartigan điều hành Quỹ trong bước chuyển lịch sử này và John Elkington đã gắn bó mật thiết với Quỹ ngay từ những ngày đầu thành lập. Năm 2002, tại Cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm với chủ đề “Gặp gỡ những Doanh nhân Xã hội,” có rất ít người đến - và những ai đến thì hầu như chỉ muốn gặp những thành viên trong hội đồng quản trị, bao gồm nhà soạn nhạc Quincy Jones, nhà văn Paulo Coelho và nhà sản xuất phim David Puttnam. Còn hôm nay, chúng tôi đã hoàn toàn liên kết được các doanh nhân xã hội vào chương trình của diễn đàn; nhiều lãnh đạo của các tập đoàn gặp gỡ họ để nghe trình bày về các ý tưởng, hiểu biết và những sáng kiến của họ, còn những phương tiện truyền thông quốc tế thì hào hứng theo sát những câu chuyện về họ. Bạn sẽ gặp rất nhiều người trong số các doanh nhân đó ở đây. Rất rõ ràng, sức mạnh của những con người phi lý là có thật; thách thức của chúng ta lúc này là khai thác nó để tạo ra những thay đổi cần thiết.
Giáo sư Klaus Schwab
Nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành
Diễn đàn Kinh tế Thế giới
LỜI NÓI ĐẦU
Trước hết, xin có một đôi lời về nhan đề của chúng tôi. “Một người sống theo lý trí thông thường luôn điều chỉnh bản thân để thích ứng với thế giới” - lời của nhà soạn kịch George Bernard Shaw - trong khi “một người phi lý lại kiên trì theo đuổi việc biến đổi thế giới phù hợp với bản thân mình. Vậy nên, mọi tiến bộ phụ thuộc vào những con người phi lý.” Theo quan niệm này, các doanh nhân được mô tả trong những trang sách sau đây là phi lý - có vài người trên thực tế đã bị coi là “điên rồ” - kể cả từ phía gia đình và bạn bè - nhưng tương lai của thế giới lại có thể phụ thuộc phần lớn vào việc họ có thành công trong việc truyền bá những ý tưởng và mô hình kinh doanh có vẻ lạ lùng của mình hay không.
Có một điều dễ nhận thấy là thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn lao - từ những cuộc xung đột toàn diện, chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt; cho tới nạn nghèo đói, sự đe dọa của những bệnh dịch toàn cầu và có lẽ vấn đề lớn hơn cả là tình trạng biến đổi khí hậu. Thế nhưng, nếu được nhìn nhận đúng đắn, những cuộc khủng hoảng ngày nay có thể dẫn tới giải pháp cho ngày mai, và quy mô của những cơ hội thị trường luôn đáng kinh ngạc.
Người ta ước tính có khoảng bốn tỉ người tiêu dùng là người có thu nhập thấp, chiếm phần đông dân số thế giới, và họ tạo nên cái gọi là “đáy của kim tự tháp (kinh tế)”, viết tắt là BOP (Base of the Pyramid). Nhiều nghiên cứu với quy mô ngày càng lớn hơn đang tìm hiểu cách sử dụng những phương pháp dựa-trên-thị-trường để “đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của họ, tăng năng suất và thu nhập, đồng thời giúp họ bước vào nền kinh tế chính thức.” Thị trường BOP hoàn toàn không hề nhỏ: Theo ước tính, thị trường của những người thu nhập thấp ở châu Á (và khu vực Trung Đông) gồm có 2,86 tỉ người với tổng thu nhập là 3,47 nghìn tỉ đô la Mỹ. Ở Đông Âu con số này là 458 tỉ đô la, ở khu vực châu Mỹ Latin là 509 tỉ đô la và ở châu Phi là 429 tỉ đô la. Tổng cộng tất cả những thị trường này được cho là có giá trị khoảng 5.000 tỉ đô la.
Nhưng đâu là cách tốt nhất để các nhà lãnh đạo trong giới chính trị, tài chính, kinh doanh vốn đang tuân theo các mô hình phổ biến hiện nay, có thể bắt nhịp cùng với những xu hướng mới nổi này trong việc tạo ra giá trị? Ba giải pháp ngay lập tức được đưa ra.
Thứ nhất, họ có thể thử áp dụng các mô hình kinh doanh mới này như các tài liệu về BOP đã gợi ý. Thứ hai, như nhiều nhà kinh doanh hàng đầu đã chỉ ra từ lâu_Tư duy tôi-có-thể-làm có nhiều khả năng thành công hơn là kiểu tư duy đừng-làm, sẽ-không-làm hay không-thể-làm-được. Cuối cùng, một điều rất dễ hiểu là chúng ta nên tìm kiếm, học hỏi và hợp tác với những người cách tân và các doanh nhân mang thái độ tôi-có-thể và chúng-ta-có-thể-tìm-ra-cách-giải-quyết, những người luôn nỗ lực xây dựng các giải pháp cho thực tiễn. Đó là điều mà hai chúng tôi đã làm từ khi thế giới bước sang thiên niên kỉ mới này - phát hiện, học tập, tiếp xúc và giúp đỡ một số doanh nhân xã hội và môi trường thành công nhất trên thế giới.
Cho dù đã mang một diện mạo khác thì vấn đề này cũng không hẳn là một chủ đề nghiên cứu mới. Trong số những cuốn sách đã được xuất bản có những tác phẩm xuất sắc như How to Change the World (Làm thế nào để thay đổi thế giới), Profits with Principles (Lợi nhuận có Nguyên tắc), và Untapped (Chưa khai thác) - tác phẩm này mang tít phụ là “Tạo ra giá trị trong những thị trường chưa được phục vụ thích đáng”. Nhưng chúng tôi hi vọng sẽ mang tới góc nhìn và suy ngẫm mới cho độc giả. Như được đề cập trong phần Lời cảm ơn, Sức mạnh của những người phi lý là kết quả từ mối quan hệ công việc gắn bó giữa SustainAbility (thành lập năm 1987 và đóng trụ sở đại diện tại London Washington D.C và Zurich) và Quỹ Schwab hỗ trợ Doanh nghiệp Xã hội (thành lập năm 1998 và đóng trụ sở ở Geneva).
Hoạt động của SustainAbility trong lĩnh vực này đã được Quỹ Skoll tài trợ với số tiền một triệu đô la cho thời gian ba năm. Quỹ Skoll được thành lập bởi nhà đồng sáng lập của eBay - Jeff Skoll. Như chúng tôi đã nói, bất kỳ điều gì giống như sự bền vững trên toàn cầu sẽ không thể tồn tại nếu thiếu sự tham gia - và cải tổ căn bản - của các doanh nghiệp và thị trường. Như một đồng nghiệp của Jeff Skoll là Pierre đã phát biểu “Tôi nhận ra rằng nếu bạn muốn tạo nên ảnh hưởng có quy mô toàn cầu thì bạn không thể bỏ qua các doanh nghiệp. Ý tôi không phải nói đến những chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội của các công ty mà là những mô hình kinh doanh có thể khơi dậy những thay đổi trong xã hội.”
Vậy chúng ta có thể tìm thấy những thay đổi và các tác nhân thay đổi như vậy ở đâu? Nhiều khi trong những giai đoạn đầy biến động, đổ vỡ và mang tính chuyển đổi lớn lao này, nơi tốt nhất để tìm thấy manh mối về các mô hình kinh doanh mang tính cách mạng của tương lai là ở bên lề của các hệ thống đang trục trặc của chúng ta, và đó chính là nơi chúng tôi hướng đến. Cuộc hành trình đã đưa chúng tôi từ những vùng trung tâm cho tới vùng ngoại biên - từ những cuộc họp của giới tinh hoa ở Davos trên dãy Alps, các buổi gặp mặt của các doanh nhân xã hội ở những địa điểm như Sao Paulo cho tới những bãi rác đang mục rữa ở Bangladesh; từ những trường dạy kinh doanh hàng đầu cho tới những quốc gia bị tàn phá bởi bạo lực ở vùng Trung Đông hay những cộng đồng bị nhiễm HIV trên khắp lục địa châu Phi. Trong cuộc hành trình đó, chúng tôi tin rằng mình đã tìm ra manh mối về những con đường, những cách thức mà tất cả các công ty – dù lớn hay nhỏ, dưới hình thức tập đoàn hay công ty tư nhân - sẽ hoạt động trong các thị trường của tương lai.
John Elkington và Pamela Hartigan
London và Geneva ngày 01 tháng Mười năm 2007
Theo thuonghieugroup.com
London và Geneva ngày 01 tháng Mười năm 2007
Theo thuonghieugroup.com