
Thương hiệu là một khái niệm bao trùm vượt ra khỏi ngành nghề hay sản phẩm. Vì vậy cách làm thương hiệu quốc gia trong thời gian qua cần phải xem lại.
Đưa ra một giải pháp định vị lúc này là hơi vội vàng và thiếu cơ sở, kể cả gợi ý của ngài Philip Kotler cũng vậy. Các nhà tiếp thị luôn luôn có sẵn nhiều ý tưởng, nhưng cần nghiên cứu kỹ ở khía cạnh tầm nhìn, giá trị trước khi đưa vào sử dụng.
Chúng ta cũng cần chú ý đến những giá trị truyền thống và lịch sử đặc thù của VN. Chỉ riêng hình ảnh áo dài, nếu biết khai thác đúng cách sẽ là một thông điệp văn hóa và thương hiệu rất mạnh mẽ. Quan trọng nhất, theo tôi, có lẽ là tầm nhìn của người VN chúng ta. Việc mở rộng tầm nhìn trong chiến lược tiếp thị thương hiệu là điều mà cả Chính phủ, doanh nghiệp hay mỗi cá nhân đều phải nhận thức đúng. Đây là thời điểm mà các tư duy và chiến lược mang tầm toàn cầu.
Thật ra cách gọi kiểu “Trung Quốc là công xưởng của thế giới” hay “VN là bếp ăn của thế giới” vẫn mang dấu ấn tư duy marketing kinh điển, trong đó còn tồn lại tư tưởng của cái gọi là “sự phân công lao động toàn cầu”. Người Trung Quốc thật ra “buộc phải” làm công xưởng cho cả thế giới vì thực trạng lao động giá rẻ. Về điều này, VN đã rút ra bài học vì chúng ta cũng đã không chấp nhận mình ở vị thế một đất nước làm gia công, “lao động rẻ” không phải là một lợi thế bền vững của quốc gia. Vì vậy xin hãy nói rằng nền ẩm thực VN là một trong những lợi thế hay điểm độc đáo (unique selling point) trong chiến lược thương hiệu sản phẩm quốc gia chứ không nên gọi VN là bếp ăn của thế giới.
Vài năm trở lại đây việc ứng dụng tiếp thị và thương hiệu đã lan rộng và nâng tầm của doanh nghiệp VN, vị thế các thương hiệu VN lên một mức nhất định. Riêng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp đã cho ra lò hàng nghìn cán bộ quản lý trẻ (marketing manager, brand manager) có chất lượng, nắm bắt tư duy của marketing và thương hiệu. Các doanh nghiệp trang bị nguồn nhân lực và qui trình marketing chuyên nghiệp đang từng bước gặt hái những thành công vượt bậc. Tuy vậy, chúng ta thật sự chưa có một chiến lược thương hiệu quốc gia mang tính tập trung và chuyên nghiệp. Tiếp thị thương hiệu quốc gia là việc làm trước tiên thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Tuy nhiên, một mình Chính phủ cũng không thể thực hiện việc này. Chính phủ phải có một cơ cấu tổ chức hợp lý, kết hợp sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu VN và một số chuyên gia quốc tế...
Sự chọn lựa khôn ngoan
Để có được một thương hiệu mạnh, đòi hỏi phải có một quá trình xây dựng với một chiến lược dài hạn. Tạo dựng một thương hiệu mạnh đòi hỏi phải biết tập hợp nhiều yếu tố, cả yếu tố tự nhiên và yếu tố con người, hoặc chọn lựa một trong các yếu tố đó. Vì thế, không hẳn một đất nước giàu mới có một thương hiệu mạnh, nhưng nếu có một thương hiệu mạnh chắc chắn con đường để đi đến sự giàu mạnh là khả thi, bởi lẽ thương hiệu quốc gia như là một minh chứng về một “sản phẩm” độc đáo của quốc gia đó. Ví dụ: xét về mặt kinh tế thì nước ta có thể được xem như một bếp ăn của thế giới, ở đây có thể hàm nghĩa rằng VN là nước có nền văn hóa ẩm thực phong phú. Nhưng liệu chừng đó đã đủ làm nên một thương hiệu mạnh khi chúng ta so sánh với Thái Lan, một quốc gia cũng không thua kém gì VN và Trung Quốc cũng có nền văn hóa ẩm thực hết sức đa dạng và phong phú?
Thế thì làm sao để có một thương hiệu mạnh và phải xây dựng thương hiệu nào cho VN? Điều này đòi hỏi chúng ta phải có lựa chọn khôn ngoan, thực tế và cần có thời gian để phấn đấu. Thật sự, thương hiệu tùy thuộc vào góc nhìn của bên ngoài chứ không hẳn từ cách nhìn nhận chủ quan từ bên trong. Thí dụ, một Singapore với một thương hiệu về một chính phủ minh bạch, không tham nhũng (ngoài thương hiệu về kinh tế như là một trung tâm tài chính ngân hàng, trung tâm mua sắm, trung tâm du lịch của khu vực và thế giới). Phải chăng đó là thương hiệu của các thương hiệu và VN đang cần một thương hiệu như thế để quảng bá ra thế giới?
Quá khứ là một phần của thương hiệu quốc gia
Quá khứ là một phần của thương hiệu quốc gia. Tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình sau khi đọc những trăn trở và câu hỏi đặt ra của bà Tôn Nữ Thị Ninh (TS ngày 20-8).
Là một du học sinh được đi nhiều, được nhìn và so sánh, tôi ước ao VN có thể chính thức gửi một thông điệp bằng hình ảnh và âm sắc trên phương tiện truyền thông hiện đại tới khắp thế giới: VN của xưa và nay, trong đổ nát và dựng xây, trong những cố gắng giao lưu - đối thoại - tiếp thu không ngừng, trong những hình ảnh của đời thường, trong bản sắc văn hóa, một VN đẹp mơ mộng, bình yên với những ưu đãi của thiên nhiên... Đó sẽ là một bức tranh của hiện thực, của tương phản. Quá khứ là một phần của thương hiệu VN. Điều này hoàn toàn đúng. Không một nhà sử học đương thời nào có thể chối cãi dấu ấn VN. Tổng thống đương nhiệm Pháp muốn nhìn lại quá khứ để xây dựng luật tưởng niệm, ghi khắc quá khứ lịch sử Pháp mà VN cũng viết những trang chung (Les lois de mémoire). Thế hệ trẻ khắp nơi trên thế giới sẽ đọc lịch sử trong đối thoại đa chiều. Chúng ta cần một thông điệp. Bức thông điệp ấy phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng và mau sớm được thực hiện.
Theo thuonghieugroup.com